Bối cảnh và nguyên nhân Dust Bowl

Tóm tắt

Nói ngắn gọn, nguyên nhân của sự kiện bão bụi trong giai đoạn này bắt nguồn từ phương pháp làm nông cũ kỹ và việc canh tác ồ ạt, vô tội vạ khiến đất bị cày cuốc quá mức, thảm thực vật bản địa bị tiêu diệt làm cho lớp đất mặt quá khô, không còn được cây cối giữ chặt xuống nền đất khiến cho các cơn gió mạnh thổi tung lớp đất mặt đi khắp nơi gây ra những trận bão bụi quy mô khổng lồ. Đợt hạn hán lớn trong thập niên 1930 đã châm ngòi cho những cơn bão bụi đó, khi hạn hán làm đất càng thêm khô và dễ bị thổi bay hơn.

Phải nói người dân đã không hiểu biết kỹ về những khó khăn của vùng Đại Bình nguyên, về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của nó và những sai lầm, khuyết điểm trong phương pháp làm nông truyền thống vốn thích hợp hơn với các vùng đất ở phía Đông. Các báo cáo chính thức về tiềm năng nông nghiệp rất ít ỏi và thường dẫn đến kết luận tiêu cực về khả năng kinh tế của vùng, tuy nhiên những tin đồn thổi phóng đại và sai sự thực thì có rất nhiều nhằm mục đích "quảng cáo" và khuyến khích người dân di cư sang miền Tây. Những giai đoạn ẩm ướt và mưa nhiều bất thường cũng khiến người dân lờ đi các nguy cơ và khó khăn do khí hậu khô hạn trong vùng, và gây nên ảo tưởng kéo dài về việc thời tiết sẽ khá hơn và mưa sẽ dần nhiều lên. Thiệt hại do giá sản phẩm giảm và chi phí do việc cơ khí hóa cũng khiến người dân ồ ạt khai hoang vỡ hóa vô tội vạ - ngay cả ở những thửa đất xấu và "khó nhằn" - cũng như sử dụng các phương pháp canh tác gây hại cho đất - nhưng lại rẻ tiền hơn. Hệ quả là đất đai trong vùng đã bị suy kiệt, bào mòn bởi những phương pháp làm nông sai lầm, và trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến đất bị khô, dễ bị xói mòn và gây ra các cơn bão bụi khổng lồ.[11][12][13]

Chi tiết

Trong quá trình khai phá vùng Đại Bình nguyên Bắc Mỹ trước đây, khu vực xảy ra sự kiện Dust Bowl vốn được cho là không phù hợp với cách canh tác nông nghiệp kiểu châu Âu. Vùng đất đó được gọi là Đại Hoang mạc Mỹ với nguồn nước và lượng gỗ có sẵn rất ít ỏi[13] cộng với mùa đông lạnh, mùa hè nóng và lượng mưa cực kì thấp[14], khiến cho nó ít tỏ ra hấp dẫn hơn các vùng lân cận đối xét trong lãnh vực nông nghiệp và lập đồn điền. Tuy nhiên, trong những giai đoạn sau đó, có nhiều nguyên nhân khiến vùng Đại Bình nguyên trở thành điểm đến mong muốn của nhiều nông dân và việc canh tác diễn ra ồ ạt ở mức độ chưa từng thấy. Có thể tóm tắt một số yếu tố đó là các đạo luật cấp đất đai cho nông dân với giá rẻ, giai đoạn ẩm ướt bất thường tạo điều kiện thuận lợi cho canh tác, kết hợp với thị trường ngũ cốc trở nên hấp dẫn trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, và việc cơ khí hóa làm năng suất tăng vọt lên rất cao.[14]

Việc khai khẩn và lập các khu dân cư tại đây đã được khuyến khích bởi Đạo luật Cấp đất cho người di cư (Homestead act) ban hành năm 1862. Năm 1865, Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc và bốn năm sau, Tuyến Đường sắt Liên lục địa Thứ nhất được hoàn thành, các sự kiện đó đã khơi mào cho những đợt sóng di dân ồ ạt vào vùng Đại Bình nguyên và dĩ nhiên, việc canh tác đất nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ.[15][16] Giai đoạn ẩm ướt bất thường diễn ra trong thời gian đó tại vùng Đại Bình nguyên khiến dân di cư và chính quyền Liên bang nảy sinh ảo tưởng về "trời sẽ mưa sau khi cày" (rain follows the plow, một câu nói thông dụng trong giới bảo trợ bất động sản) và ảo tưởng về việc khí hậu trong vùng sẽ vĩnh viễn khá lên[17]. Trong khi việc canh tác ban đầu chủ yểu diễn ra dưới dạng lập các trại chăn nuôi gia súc, năm 1886 mùa đông trở nên khắc nghiệt gây ảnh hưởng xấu đến vật nuôi, rồi cộng thêm một đợt hạn hán ngắn năm 1890 và hậu quả của việc chăn thả quá mức kéo dài khiến cho cán cân dần nghiêng về việc sử dụng đất làm nơi trồng trọt, cày cấy.

Nhận thức được những khó khăn trong việc canh tác tại khu vực đất khô hạn ở vùng biên, chính quyền Hoa Kỳ tiến hành những sửa đổi trong việc cấp 160 mẫu Anh đất ruộng theo điều khoản của đạo luật cấp đất: Đạo luật Kinkaid ban hành năm 1994 cấp 640 mẫu cho dân di cư ở 37 quận Tây Bắc Nebraska[18], và đạo luật cấp đất mở rộng năm 1909 cấp 320 mẫu cho các di dân định cư ở những vùng khác của khu vực Đại Bình nguyên, mục tiêu áp dụng là các vùng đất canh tác khô[19]. Làn sóng dân nhập cư từ châu Âu tới khu vực này bắt đầu diễn ra từ đầu thế kỷ 20, và một giai đoạn ẩm ướt bất thường khác trong thập niên 1910 và 1920 tại Đại Bình nguyên[13] một lần nữa củng cố ảo tưởng về việc: các khu vực nửa khô hạn tại đó từ nay hoàn toàn có thể phù hợp cho việc canh tác nông nghiệp quy mô lớn - lần này được sự hỗ trợ mạnh mẽ bởi các tiến bộ lớn lao về kỹ thuật, thí dụ việc cơ khi hóa trong quá trình canh tác tỉ như sự xuất hiện của máy cày và máy gặt đập liên hợp. Ảnh hưởng của Cách mạng NgaChiến tranh thế giới thứ nhất khiến cho giá nông sản tăng vọt và kích thích các nông dân tăng cường canh tác ồ ạt hơn nữa.[13][20] Ví dụ, như tại vùng Đồng bằng Cọc rào (Llano Estacado hay Staked Plain) tại phía Đông New Mexico và Tây Bắc Texas, diện tích đất nông nghiệp tăng gấp đôi trong giai đoạn 1900-20 và gấp ba trong giai đoạn 1925-30[21].

Có điều, phương pháp canh tác thời bấy giờ khiến cho đất đai dễ bị xói mòn nghiêm trọng trong một số điều kiện môi trường nhất định.[1] Việc chuyển đổi đất hoang thành đất nông nghiệp diễn ra rộng khắp bằng phương pháp cày sâu cuốc bẫm và các phương pháp làm đất khác khiến các loài cây cỏ bản địa bị hủy diệt gần như toàn bộ, mà các cây cỏ này lại có tác dụng quan trọng trong việc giữ đất và giữ nước trong mùa khô hạn. Thêm vào đó, chủ các đồn điền trồng bông gần như "bỏ không" đất trong suốt mùa đông - mà đây lại là thời điểm gió bão thổi mạnh nhất ở vùng Đại Bình nguyên - cộng với việc đốt bỏ rơm rạ trên ruộng sau khi thu hoạch - nhằm mục đích trừ cỏ dại - khiến lớp đất mặt, thảm cây cỏ bề mặt và hàm lượng chất hữu cơ trong đất ngày càng hao hụt nghiêm trọng.

Thế rồi một đợt hạn hán nặng giáng xuống vùng Đại Bình nguyên trong thập niên 1930, đây được cho là giai đoạn hạn hán nghiêm trọng nhất[20] và kéo dài nhất từng được biết đến với 80 phần trăm diện tích nước Mỹ chịu điều kiện thời tiết cực kì khô hạn trong năm 1934[9]. Trong điều kiện hạn hán, phương pháp canh tác cũ trở nên càng ngày càng gây nhiều rủi ro và tác hại. Hạn hán làm lớp đất mặt trở nên khô giòn, dễ bở vụn và ở vài nơi nó trở thành bột mịn đúng nghĩa đen. Lúc này thảm thực vật bản địa không còn để mà giữ đất, và các cơn gió mạnh quét qua vùng bình nguyên đã mặc sức thổi tung lớp đất mặt này lên, gây ra các cơn bão bụi khổng lồ, mở màn cho thời kỳ "Dust Bowl".[22] Rõ ràng, đất bị cày bừa quá kỹ là nơi phát sinh bụi lớn hơn rất nhiều so với đồng cỏ chưa được canh tác[13].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dust Bowl http://books.google.ca/books?id=8fM-ZWXPe_QC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=DQ9ZoUJ1hWQC&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=kwke_hhx8Z8C&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=np1RwDQfpjsC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=rTK1N6owT1YC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=wnUYNCMvf8wC&lpg=P... http://books.google.com/books?id=jDbIymSFFxoC&prin... http://www.modbee.com/news/special-reports/article... http://select.nytimes.com/gst/abstract.html?res=F4... http://select.nytimes.com/gst/abstract.html?res=F6...